Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Sự thua cuộc của truyền thông chính thống

Sự thua cuộc của truyền thông chính thống


Trong một buổi thăm dò ý kiến về sự hiệu quả các chương trình phát thanh của đài phát thanh thành phố tại một lớp báo chí truyền thông. Người được hỏi là các nhà truyền thông tương lai (hoặc đã là - chỉ đi học để hợp thức hóa nghề nghiệp) đã tỏ xa lạ với các chương trình truyền thanh được nhắc trong bảng thăm dò. Buổi thăm dò kết thúc có lẽ kết quả chỉ là những câu trả lời về phát thanh nói chung chứ không phải về chương trình của đài phát thanh thành phố. Buổi thăm dò chủ trì là ban tuyên giáo thành phố có lẽ đã có kết quả chân thực. Ngay tại thành phố những cái loa phường chưa nhận sự chấp nhận ngay từ người trong ngành.

Trong một buổi học khác của lớp báo chí truyền thông đó, khi mà các vị đứng đầu khoa còn mải cho những kế hoạch dài hơi, chương trình cấp cao cấp thấp. Khi mà các giảng viên vẫn có người chưa từng có kinh nghiệm truyền thông thực tế đứng lớp. Khi mà người có kinh nghiệm thực tế đến lớp giảng thì như cưỡi ngựa xem hoa, muốn chi tiết thì "mua sách của tui mà đọc". Khi mà giờ học chỉ toàn lý thuyết suông, những giờ thực hành đếm trên đầu ngón tay, mà có thực hành thì cả giảng viên và sinh viên đều ngại. Khi mà sinh viên - những người đã đi làm - được các giảng viên không có tẹo kinh nghiệm truyền thông nào dạy đến cười lộn cả ruột vì kiến thức toàn lý thuyết chả có tẹo gì thực tế. Khi mà giảng viên, sinh viên nói và làm động đến hai từ "nhận quà" ngay sau buổi học đạo đức nghề sao mà dễ dàng đến thế. Khi mà kết quả môn học đạo đức nghề rớt như sung, học viên rớt hay môn đạo đức nghề từ ông thầy dạy đã rớt đài. Khi mà các buổi học còn cách xa các vấn đề nóng hổi ngoài xã hội, cả học viên và giảng viên đều tránh hoặc không muốn cầm bút lên để viết, nhưng tất cả đều sẵn sàng mạnh ai lấy chạy, mạnh ai lấy chửi đổng. Khi mà toàn các nhà truyền thông chửi đổng, phê phán lên giời, không thấy mặt những kẻ biết giải quyết vấn đề, những nhà truyền thông giải pháp. Khi mà hàng năm với hàng trăm sinh viên báo chí truyền thông tốt nghiệp - chỉ tiêu đủ là thành công quá cao rồi. Khi mà, khi mà... chán ngán cho cái sự thua từ lớp học báo chí truyền thông.

Nhân một sự kiện quốc gia, những sự thêm vào chỉ là thị phi và nhiều lộ mặt. Các báo chí đua nhau lập chuyên đề để đưa tin hiệu quả nhất đến độc giả. Và có vẻ như lần này truyền thông chính thống đã thắng?! Nhưng nhìn thì tưởng như vậy hóa ra không phải vậy. Các đơn vị truyền thông chính thống dù được sự đồng thanh tích cực từ dư luận nhưng vẫn thua mạng xã hội về tốc độ lan truyền và lây lan. Đánh giá một bài viết tốt phải dựa cả tốc độ chia sẻ lan truyền và phản hồi trên mạng xã hội, người đọc không chia sẻ nó trên mạng xã hội chả chóng thì chầy nó sẽ chết ngóm. Nhận thức mạng xã hội là một kênh thông tin không thể thiếu, truyền thông chính thống cũng đang xoay mòng mòng quanh nó để kiếm tin và PR cho mình.

Nhân một sự kiện quốc gia truyền thông các lề đua nhau đi tìm "sự thật" theo tôn chỉ của mình. Trong khi truyền thông chính thống còn phải chờ chỉ thị và kiểm duyệt xong, thì ê hề thông tin trên mạng thật giả lẫn lộn không đính chính, không chế tài. Độc giả đọc cái gì đập ngay vào mắt họ trước, họ không có trách nhiệm kiểm tra thông tin. Chức năng phối kiểm của truyền thông chính thống còn phải chờ chỉ thị với thông tư. Vì vậy đưa tin đã chậm, quăng tin lên chả ai thèm ngó, hoặc nếu có cũng chẳng định hướng tuyên truyền điều gì ra hồn. Truyền thông chính thống làm trách nhiệm là cái loa phường, làm phát ngôn cho chính quyền, họ chưa đủ khả năng giải quyết những lùm xùm thị phi trên truyền thông. Mục đích định hướng và tuyên truyền lại thua bàn nữa. Tất cả còn mải đi tìm một  sự thật khác là  đã thu rất nhiều tiền quảng cáo chứ không phải cái sự thật mà họ đang bô bô trên mặt báo kia.

Các cơ quan truyền thông đua nhau đưa tin rồi đua nhau đạp đổ nồi cơm lẫn nhau. Chuyện nhiếp ảnh gia nổi tiếng bị chính bạn nghề của mình vạch mặt, ném đá không thương tiếc. Tự dưng nhớ vụ một bộ ảnh gây lùm xùm dạo trước đến bây giờ lại được tôn vinh. Chuyện đài truyền hình lý giải về kịch bản, cộng tác viên tự sướng, nhân viên lên sóng quen miệng chúc... Từ lâu mảng đề tài các nhà báo, các cơ quan truyền thông hạ bệ nhau cũng đủ để dư luận bàn tán mệt nghỉ. Lại một bàn thua nữa.

Tuyên truyền thông minh phải đi cùng với các giá trị của nền truyền thông đó tạo dựng lên. Khi muốn dắt mũi, chăn đàn cừu dư luận mà thua từ giảng đường đến thực tiễn tác nghiệp. Thì truyền thông chính thống mãi mãi chỉ là cái bóng của ban tuyên giáo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét