Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Lính thời bình: Ngu sĩ

Lính chết khi đang làm nhiệm vụ gọi là liệt sĩ. Lính chết khi đang tại ngũ gọi là tử sĩ. Tuy nhiên tử sĩ lại hay được hiểu là chết bệnh, chết do tai nạn... điều này không đồng nghĩa với cái chết do làm việc phi pháp. Còn một dạng nữa đó là "ngu sĩ". Đây là tiếng lóng để chỉ những cái chết lãng xẹt, chả đâu vào đâu... tạm hiểu là ngu thì chết. Tuy nhiên dù hiểu hay nghĩ thế nào đi nữa thì những cuộc đời trẻ trung yêu đời ấy không đáng ra đi một chút nào.

Lính vệ binh đi gác đạn là dễ chết nhất. Lính gác đạn có hai nhiệm vụ chính: báo bia và gác đạn. Gác đạn hiểu là không cho người và vật đi vào vùng bắn đạn thật. Điều này không dễ với một trường bắn lớn như TBI và lúc nào người dân cũng sẵn sàng lao vào mót phế liệu dẫu gác rất gắt gao. Không năm nào là không có vụ tai nạn khi đi mót đạn như vậy. Có vụ bắn tên lửa phòng không, đầu đạn nổ không hết. Lính tới hủy đạn chỉ kịp nghe tiếng uỳnh, đến nơi đã thấy máu me, bộ phận be bét, tan nát văng lung tung hết. Những mùa gác đạn trong hầm anh em lại kể nhau nghe vụ a trưởng năm trước đi lệch tầm quy định ăn trọn một viên 12 ly 7 vào bụng. Thứ xuyên phá ấy gây một lỗ to bằng bát con ngay rốn. Mọi thứ ộc hết ra, a trưởng chết ngay vũng máu đỏ rực cả mảng mua. Và dù có đến hai ba vòng gác chốt chặn thì ngay bên này núi  dưới chân hầm gác, những người dân luôn sẵn sàng lao lên để đào đạn. Đạn lạc và vọt tầm như vậy vẫn phải gác 24/24.

Đại đội 5 có một quê mập tròn, tăng hơn 10 kg hồi tân binh, mặc dù ăn toàn thịt 9 chỉ với cá 9 - 10 con/ 1kg. Hắn đi làm hào vớ được một viên M79 chưa nổ. Hí ha hí hửng dấu vào balo để hôm nào làm vòng, làm nhẫn. Hôm ý duyệt binh, đang ở sân trung đoàn nghe thấy đoàng, tất cả chỉ nghĩ bắn ở thao trường. Về tiểu đoàn mới biết viên đạn của quê kia đã nổ. Nó đã xoay đủ vòng sau bao năm nằm im trong đất. Phúc tổ là quanh phòng không có ai. Nhìn hiện trường mới ghê. Cái balo và chăn bị xé toang trắng bông, cái chiếu nát bét. Miếng gỗ giường phía trên cắm đầy những miểng đạn. Ngay sau đó quê kia bị thuyên chuyển đơn vị. Có cán bộ rụng sao nhưng đã không làm to lên.

Những vụ tai nạn trong bắn ném không phải không có. Không dễ mường tượng khi bạn lên bệ bắn ném luôn có một cán bộ đi kèm với khẩu k54 bên hông phòng bất chắc khi quay súng. Có nhiều quê đã tè trên bệ. Đó là chuyện bình thường, nổ ngay tại bệ, rơi đạn, lựu đạn mới là tai hại. Lần đó đi bắn tiến công cấp C, một quê ngồi gần khẩu DKZ. Khẩu pháo vừa nhả đạn, quê ấy làm luôn một băng AK. Trung đội trưởng lao tới thấy cu chàng tái mét mặt ngồi im dưới hố. Ăn một cái bạt tai vẫn chưa hoàn hồn. May mà không quay ngay khẩu súng. Trong chiến tranh thật đôi khi một cú giật mình cũng đủ giết chết một con người. Khi cầm khẩu súng đã lên đạn, chỉ có bạn mới biết bạn sẽ giết ai.

Một chuyện lưu truyền trong đơn vị về một anh chàng cướp súng, lựu đan. Đơn vị tiến hành vây bắt sau khi thuyết phục không được. Anh ta cố thủ dưới chân cầu bắn ra, may là chưa có thương vong lớn. Cuối cùng sau một ngày thử bắt sống không được. Ném đạn khói ném vào tưởng anh ta chịu hàng, tiến vào thì một loạt đạn bắn ra làm hai bị thương. Cáng thương binh ra đến nơi thì nghe tiếng nổ lưu đạn. Anh ta tự sát. Quân y đơn vị khám nghiệm ghi hồ sơ anh ta bị điên.

Hồi xong tân binh ở trung đoàn bạn xảy ra vụ đào ngũ sau đó tìm thấy xác trên sông. Thấy bảo hai cái xác đã bị cắt tai. Có tin đồn hai chú này băng vào vườn dân, tưởng là ăn trộm bị táng cho vài nhát cuốc rồi vứt xuống sông. Đơn vị và gia đình không làm to chuyện thêm nữa.

Chết bệnh cũng có. Hồi mới vào tưởng mình là yếu nhất, thế rồi mới thấy có kẻ còn tệ hơn mình. Mùa đông năm đầu tiên chứng kiến anh chàng trung đội bên cạnh lưng còng xuống khi đi lại. Hỏi mới biết bị thấp khớp nặng. Hỏi sao vẫn đi. Trả lời địa phương duyệt có biết đâu. Chả biết anh ta có giả vờ không, nhưng những việc nặng nhọc không đến tay. Huấn luyện cũng nhẹ nhàng hơn, cả phần nghĩa vụ sau này chỉ gắn với tay bay tay vữa. Quê gần nhà hắn nói: "Nó về quê phi Mink chợ lợn ầm ầm."
Sang năm thứ hai khi đã thành lính cũ thì tiểu đoàn lính mới kế bên có vụ chết bệnh. Chú em này thấy bảo bị loét dạ dày. Ra đi sau một đêm đau nặng. Có thể bạn thắc mắc sao không đưa lên tuyến trên. Thật khó trả lời. Có lẽ phải bắt đầu từ tuyển quân tại địa phương.

Kho đạn sư đoàn hồi chưa chuyển đi diện tích rất lớn. Gác nhiều vọng, mùa đông lạnh đem cả chăn lên cho ấm. Lạnh không thể ngủ được.Vậy mà đêm đó, một chú mang rượu lên vọng uống khi thay gác. Qúa giữa đêm trung đội trưởng đi kiểm gác đã thấy cứng đờ rồi. Mùi rượu vẫn sực cái chăn quấn quanh người.

Tháng 10, hai thủ trưởng yên giấc. Những đồng đội ra đi trong cơn cuồng nộ tố bão miền Trung. Lại thêm một quê nữa ở Trường Sa. Những nỗi cô đơn qua đời không cần những lời ca tụng.

Chuyện lưu truyền trong đơn vị về những ngu sĩ là những khoảng lặng mỗi khi lính cũ kể cho lính mới nghe. Lời dặn dò nhiều nhất là đừng để thương vong không đáng trong những tháng ngày nghĩa vụ. Giữ cái gáo cho lành chứ đừng ngơ ngáo lúc ra quân.

Chỉ mong đến một lúc nào đó sinh tử không phải để đem ra so sánh giá trị của cuộc đời. Dù bị nhét cả súng, nhét gươm vào tay mình và bị thúc giục chém giết.
Chúng ta chỉ cần những tình yêu.

Tân bình lính kể chuyện



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét