Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Đồng ca lương tâm

Đồng ca lương tâm


Bạn nói, sau khi gấp tờ báo quăng vào xó nhà: “Sao bây giờ con người cạn kiệt lương tâm đến vậy?”. Tôi chột dạ. Có lẽ tôi cũng đang vô lương tâm.

Thế giới mạng cho cơ hội mọi người thể hiện cái tôi nhiều hơn. Và họ cũng sẵn sàng ném đá hội đồng hung ác hơn. Thật khó mà giữ được cái đầu bình tĩnh giữa một đám đông đang say đòn. Sẵn sàng chôn sống tất cả bằng ngôn từ đạo đức, nhân danh cộng đồng và quan điểm số đông. Từ những cử chỉ, hành động, lời nói... bị người ta cho rằng: đó là sai lầm, đó là điều họ không muốn nghe, điều họ không cho là đúng hoặc đơn giản chỉ là ngứa mắt. Những con người cô độc và nhỏ bé ấy quyết định phán xét một số phận. Lúc này chỉ còn cái tôi hung ác. Và tự họ cho mình có quyền xuống tay với người khác. Sự bao dung ở đâu? Tôn trọng sự khác biệt chỗ nào? Khi họ cho mình hành động đúng với lương tâm - lương tâm đao phủ.

Những vụ tai tiếng của dư luận được góp sức rất nhiều từ truyền thông. Khi vụ tai tiếng chỉ là mồi lửa, truyền thông được ví như ngọn gió thổi bùng đám cháy. Lúc này mức độ lây lan cũng như mục đích "đám cháy" hướng vào đâu là do truyền thông và kẻ đứng sau nó quyết định. Tuy nhiên truyền thông chưa bao giờ tiên đoán hay kiểm soát được hậu quả của nó gây ra cho dư luận. Và dù có theo kịp hay không theo kịp dư luận, truyền thông vẫn là kẻ chiến thắng chung cuộc. Rất nhiều lợi nhuận cho mục đích vạch trần sự thật mà họ nhân danh. Cái mục đích chưa bao giờ họ chạm được vào.

Các nước tranh giành những hòn đảo ngoài khơi xa. Sau khi đưa ra đủ thứ chứng cứ để cố chứng minh hòn đảo đó do nước mình sở hữu mới là hợp lý. Cái quan trọng hơn họ muốn người dân của họ - những con người làm ra của cải và sẵn sàng chết cho đất nước – tin. Người Việt Nam tin. Người Trung Quốc tin. Người Nhật Bản tin. Người Hàn Quốc tin. Người Nga tin... Chính quyền kích động tự hào dân tộc, kêu gọi sự đồng thuận, hô hào làn sóng ủng hộ.... nhưng họ không kiểm soát được sự hằn thù và bài xích dân tộc. Họ để người dân của mình tự do với những ý tưởng về những cuộc chiến, những cuộc rửa nhục, tắm máu, những cuộc đập phá, tẩy chay các nhãn hàng dẫu nó chẳng liên quan ... Họ không dạy người dân mình đối thoại trong hòa bình trong sự bình tâm cần thiết. Họ chỉ chuẩn bị một tâm thế chiến tranh cho mỗi người dân. Thế kỷ 21 những cuộc chiến tương tàn sẽ kéo con người gần hơn thảm họa diệt vong. Nhưng con người mặc kệ hết, họ vẫn giải quyết bằng khủng bố, xả súng... vào những con người vô tội. Lương tâm ư? Đối thoại hòa bình ư? Không! Đã có thương hiệu quốc gia, đòi hỏi lương tâm mỗi quốc gia có lẽ quá xa lạ.

Lương tâm bắt đầu từ sự ý thức về điều thiện của mỗi người sau đó mới đến cộng đồng. Cuộc sống tốt đẹp của con người được vun đắp bằng lương tâm của mỗi cá nhân. Những kẻ không có lương tâm thì chỉ có tiếng gọi vọng từ địa ngục mà thôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét