Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Giáo dục giật gấu vá vai

Giáo dục giật gấu vá vai

          Tháng 7, tháng 8 năm 2013 là hai tháng nối tiếp giữa các kỳ thi đại học, thi lên cấp... và mùa khai giảng năm học mới. Lĩnh vực giáo dục khoa học trong thời gian này có thể điểm mặt một loạt các sự kiện nổi bật. Tuy nhiên đó không phải là những câu chuyện mới. Đây vốn dĩ là những câu chuyện cũ của ngành giáo dục, mà mỗi năm đến hẹn lại lên.

          Mùa tuyển sinh năm 2011, 2012, 2013 tiếp tục điệp khúc hàng ngàn bài thi điểm 0. Mặc cho trước kỳ thi các vị đại diện của bộ giáo dục tuyên bố: “Đề thi sẽ phù hợp với trình độ thí sinh. Tất cả thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được...”. Nhưng rồi vẫn bội thu trứng ngỗng. Báo chí thì đua nhau đưa tin các bài viết mổ xẻ nguyên nhân. Nào là: “chương trình quá nặng, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp”, nào là “kỹ năng, ý thức ôn tập của thí sinh”... Sau đó như một lẽ tất nhiên, giải pháp cho hiện trạng đầy bức xúc này là những người có trách nhiệm, dư luận và truyền thông nhảy vào hô hào: “cải cánh giáo dục”, “đổi mới giáo dục”. Tra từ khóa này trên công cụ tìm kiếm Google được 12.900.000 kết quả trong (0,31 giây). Đủ thấy vấn đề này cấp thiết  và được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng như một vòng tròn lẩn quẩn năm nào cũng diễn ra, hô hào cứ hô hào và điểm 0 cứ điểm 0.

          Lại nhớ tháng 4 năm 2013, có một clip xôn xao cộng đồng mạng của một học sinh cấp III có tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”. Nội dung của clip là phản ứng của tác giả trước chương trình học cấp III. Khoan nói đến sự đúng sai của clip, những tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam của tác giả clip đáng được ghi nhận và lưu tâm. Chỉ tiếc liệu rồi nó có bị gác vào xó tủ như bao nhiêu đề án cải cách giáo dục khác, hay nó lại thành mớ thông tin để truyền thông câu view và chỉ được nhắc lại thêm lần nữa khi tác giả clip đỗ đại học năm nay. Gam màu giáo dục đầu tiên là màu sắc hỗn độn giữa hàng ngàn điểm 0 và một mớ các giải thưởng, công trình khoa học của các tiến sỹ, giáo sư trẻ già có cả. Đó còn là sự hồ hởi của một sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” với những cái nhìn lạc quan nhất. Thì cũng không tranh khỏi cho người ta cảm giác những người trong cuộc đang mạnh ai lấy chạy, ai được thì giải thưởng, không thì được điểm 0.

          Mới đây nghị định 74 chính phủ ban hành bổ sung các chuyên ngành được miễn học phí. Gồm sinh viên chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y... Đây là các ngành mà đầu ra xin việc khó, sinh viên ra trường chủ yếu vào làm tại cơ quan nhà nước. Cho dù là tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi cũng khó xin việc, chưa kể đây là những ngành học kém hấp dẫn, khô cứng, bao nhiêu năm nay không thay đổi cách giảng dạy. Đất nước đang trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Cần các nguồn nhân lực có trình độ cao sử dụng công nghệ máy móc thuần thục cũng như các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao. Thì lại không được quan tâm đầu tư thích đáng. Một nghịch lý lưu cữu của ngành giáo dục không chỉ là đầu vào và đầu ra mà còn cả tiếp tục ở khía cạnh đào tạo ngành nghề để phát triển đất nước.

          Các cấp học cao như đại học còn nhiều trắc trở như vậy. Các cấp học nhỏ hơn như tiểu học cũng còn những vấn đề đáng bàn. Câu hỏi “học cái chữ mới no cái bụng hay no cái bụng mới học cái chữ” mà các giáo viên vùng cao đi vận động các em đi học không thể trả lời, bố mẹ các em cũng không thể trả lời. Người có trách nhiệm thì trả lời bằng các khoản trợ cấp ít ỏi và luôn đến rất muộn. Trong lớp học có đến ba bốn lứa tuổi, lớp thì tuềnh toàng dột nát như chỗ ở của các em ở gần các điểm trường. Trong bữa ăn chỉ có độc xoong cơm và một xoong rau bỏ thêm chút muối. Các em quây quần xung quanh “tiệc đứng” với những chiếc muỗng nhỏ. Vâng, tất cả câu chuyện ăn học của các em được gói gọn như vậy. Phóng sự “Nâng cao chất lượng vùng cao” trên sóng VTV1 chương trình Thời sự 19h - 25/08/2013 còn cho thấy đằng sau câu chuyện giáo dục vùng cao còn là câu chuyện phát triển kinh tế vùng cao. Thật khó nếu tất cả việc giáo dục các em dựa vào các thầy các cô cắm bản. Và khi giáo viên còn mải lo vận động các em đi học và giữ sĩ số, còn chất lượng giáo dục không còn cách nào khác buộc phải lo sau cùng.

          Trong khi học sinh vùng cao còn phải lội sông, suối, đi bè mảng, cất nhà cạnh trường, ăn đói mặc rét... để được cái chữ. Thì ở thành phố, sau những hình ảnh giành giật, chen lấn của phụ huynh rồi cả đạp đổ cổng để vào đăng ký hồ sơ năm trước, năm nay có thêm chuyện “heo vàng học nhờ trường hàng xóm”. Viễn cảnh quá tải trường lớp đã được tiên đoán từ trước, tuy nhiên khi bước vào thực tế câu chuyện mới thấy sự bức xúc và đầy căng thẳng về vấn đề này. Các phụ huynh thì cố gắng bằng mọi cách kiếm cho con mình một chỗ học ở trường tốt. Tiêu chí chọn trường cho các em nào là trường công, chất lượng tốt còn phải trong trung tâm thành phố. Hệ quả là không ít trường chuẩn quốc gia không tuyển đủ chỉ tiêu chỉ vì trái đường, ở quận ven. Các trường được phụ huynh chọn thì căng mình vì quá tải, tìm cách cơi nới để đón các heo vàng. Mặc dù các trường đã tìm mọi cách giảm tải như chuyển học sinh sang các trường khác, tận dụng các phòng cũ, tăng thêm lớp, tăng học sinh mỗi lớp... Tuy nhiên hệ lụy không chỉ là hình ảnh nhốn nháo mất trật tự tại các trường mùa tuyển sinh hay giá chạy vào các trường tăng đến đâu. Đó còn là sự thiệt thòi nhiều nhất thuộc về các em học sinh phải chạy đua theo ý muốn của cha mẹ.

          Chưa xong câu chuyện heo vàng học nhờ trường hàng xóm lại đến câu chuyện “khả năng đáp ứng và nhu cầu học bán trú” tại các trường ở thành phố lớn. Trong phóng sự cùng tên lên sóng VTV ngày 26/8/2013 có đưa ra số liệu “80% học sinh tiểu học tại TPHCM đang học bán trú chưa kể các bậc học khác”. Và nhu cầu này chưa bao giờ được đáp ứng đầy đủ. Nhà trường từ lúc nào đó kiêm luôn chức năng nhà giữ trẻ. Bố mẹ các em còn mải làm ăn, mấy khi để tâm vào chuyện học hành của con cái. Mà có để tâm đi chăng nữa thì việc chạy trường, lo đóng học phí... cũng đủ cho họ mệt phờ.

          Chưa có bao giờ ngành giáo dục Việt Nam lại đứng trước câu chuyện thiếu trước hụt sau như hiện nay. Mọi giải pháp “đổi mới” và “cải tạo” giáo dục không cho thấy những hiệu quả thiết thực. Có thể tưởng tượng ngành giáo dục như một tấm áo. Nhưng tấm áo ấy không phải khéo co thì ấm mà kéo chỗ này sẽ hổng chỗ kia. 

CVK

P/S: 
Mới đây Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố : "Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng." - Nguồn tại đây

Giáo dục hiện nay qua tranh biếm họa







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét